Lượt xem: 464

Sóc Trăng tập trung phục hồi kinh tế nông nghiệp hậu COVID-19

Năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động của COVID-19, nhưng bằng rất nhiều nỗ lực, lĩnh vực nông nghiệp Sóc Trăng vẫn đạt được những kết quả tích cực, phát huy tốt vai trò là “bệ đỡ” cho mức tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Cộng tác viên Trang thông tin điện tử tổng hợp Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng về sản xuất nông nghiệp trong năm qua và những kế hoạch để thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả hơn trước COVID-19.

 


PV trao đổi với đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng.

 

    * Xin đồng chí cho biết, vượt qua những khó khăn chung từ tác động của COVID-19, hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt được kết quả khả quan nào?

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Trong năm, COVID-19 đã tác động tiêu cực lên tất cả các lĩnh vực, trong đó sản xuất nông nghiệp cũng chịu tác động rất lớn, gặp nhiều khó khăn về tổ chức sản xuất, lực lượng lao động, tiêu thụ hàng hóa nông sản, thị trường nhiều biến động... Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, linh hoạt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành, sự chủ động của các địa phương, cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng năm 2021 vẫn đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu Nghị quyết của ngành đều đạt, vượt kế hoạch đề ra.

    Cụ thể, tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, lúa thơm các loại đạt 53,47% kế hoạch, tỷ lệ lúa đặc sản, chất lượng cao đạt trên 74% kế hoạch; sản lượng thủy hải sản đạt 339.082 tấn, vượt 4,98% kế hoạch, tăng 4,56% cùng kỳ, trong đó tôm nước lợ 183.200 tấn, vượt 6% kế hoạch, tăng 18% so cùng kỳ; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 207 triệu đồng/1 ha, vượt kế hoạch đề ra; riêng hoạt động tiêu thụ nông sản cũng đạt kết quả khả quan. Đối với cây lúa, chịu nhiều tác động của dịch bệnh nhất là trong vụ lúa Hè Thu, nhưng chúng ta cơ bản đảm bảo khâu thu hoạch, tiêu thụ cho bà con; năng suất lúa năm 2021 cao hơn năm 2020 khoảng 0,4 tấn/ha; diện tích liên kết tiêu thụ lúa 61.922 ha, tăng 68% so cùng k 2020. Đối với cây ăn trái đạt sản lượng 264.958 tấn, tăng 4,4% so cùng k, nhưng do tác động của dịch bệnh nên tình hình tiêu thụ khó khăn, giá cả một số loại sản phẩm có thời điểm giảm mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của bà con nông dân. Tuy nhiên, nhờ sự quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng với nỗ lực vượt khó của bà con nông dân nên không để xảy ra ùn ứ nông sản lớn. Đối với thủy sản, tuy cũng có những thời điểm khó khăn về lưu thông vận chuyển, tiêu thụ, thị trường nhiều biến động trước tác động của dịch bệnh, nhưng cơ bản từng bước được tháo gỡ, diện tích xuống giống và sản lượng đều vượt kế hoạch. Các nhà máy chế biến hoạt động linh hoạt, thích ứng nhanh trong điều kiện COVID-19. Kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm đạt gần 940 triệu USD tăng 12% so với năm 2020. Ngành đã tăng cường tổ chức liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp tiêu thụ, kết quả tăng 63% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, ngành còn tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng các kênh phân phối, quảng bá sản phẩm nông sản, phát huy thương mại điện tử, hỗ trợ đưa 68 sản phẩm OCOP của tỉnh lên 02 trang thương mại điện tử postmart.vn, voso.vn.

    * Thời gian tới, ngành sẽ tập trung vào những giải pháp nào để phục hồi lĩnh vực kinh tế nông nghiệp hậu COVID-19 thưa đồng chí?

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, để phục hồi lĩnh vực kinh tế nông nghiệp một cách chủ động, linh hoạt, hiệu quả, Ngành cũng đã xây dựng Kế hoạch số 98 về phát triển ngành nông nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19. Trong giai đoạn tới, tập trung thực hiện tốt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”; trong đó chú trọng đến nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và tích hợp đa giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Tập trung giải quyết các nhóm vấn đề đặt ra của ngành nông nghiệp đó là: Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các sản phẩm để tích hợp đa giá trị. Từng bước ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng chuyên canh, đồng bộ. Xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện liên kết ngành, giữa nông nghiệp với công nghiệp dịch vụ để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, phát triển hạ tầng nông thôn phục vụ đa mục tiêu. Phát triển sản xuất trên không gian liên vùng, liên địa phương. Tiếp tục phát triển các mô hình tăng trưởng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế từng vùng; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; triển khai tốt các chương trình, đề án, dự án như: Dự án Phát triển lúa đặc sản, Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản, Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt xây dựng và triển khai Đề án Phát triển tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025; từng bước hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá; khai thác tốt dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ tàu khai thác biển hiệu quả tại Cảng cá Trần Đề. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, tổ hợp tác, hình thành nên các vùng sản xuất tập trung, đồng bộ. Tăng cường xúc tiến liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các đề án, dự án chuyển đổi sản xuất; phát huy, nâng chất, quảng bá sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

    * Thưa đồng chí, được biết trong năm 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai nhiều đề án, dự án quan trọng. Vậy cụ thể đó là những đề án, dự án nào? Những đề án, dự án này có ý nghĩa như thế nào trong tiến trình phát triển nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng?

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Trên cơ sở kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Ngành cũng đã và đang đề xuất xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án như: Dự án Phát triển lúa đặc sản, Dự án Phát triển cây ăn trái, Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Đề án Phát triển tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025. Bên cạnh đó, tranh thủ sự hỗ trợ từ nguồn vốn trung ương đề xuất xây dựng và triển khai các dự án ODA như: Dự án Phát triển thủy sản bền vững (SFDP); Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và chuyển đổi sinh kế vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững và thịnh vượng (WB11)”; Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long” tỉnh Sóc Trăng. Các chương trình, dự án này khi được thực hiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn  của tỉnh nhà trong giai đoạn tới. Đây là các cơ sở, nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển nông thôn để ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phát huy hiệu quả tốt nhất.

    Cảm ơn đồng chí đã dành thời gian cho buổi trao đổi hôm nay!

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 78
  • Hôm nay: 59
  • Trong tuần: 70,486
  • Tất cả: 11,802,493